Diễn Đàn Ý Tình Thân
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Buổi thiền Paris ngày 24 tháng 11 năm 2018

Go down

Buổi thiền Paris ngày 24 tháng 11 năm 2018 Empty Buổi thiền Paris ngày 24 tháng 11 năm 2018

Post  Diệu Như Sun Dec 02, 2018 10:40 pm

Buổi thiền ngày 24 tháng 11 năm 2018 bắt đầu vào lúc 13g30, lạy Phật YTT dưới sự chỉ dẫn của cô Thanh Quang.
Từ 14g là thiền tọa 1 tiếng - thiền hành nửa tiếng - thiền tọa 55 phút, tất cả đều trong im lặng, một không khí bình yên thanh tịnh. Lần này có hai Ni Cô vào tọa thiền và tụng kinh Từ Bi cùng với nhóm, khoãng trên mười người.
16g30 được Skype với Thầy do anh Minh Sơn lo dụng cụ và thâu lại những câu trả lời trực tiếp.

Hỏi Đáp

1- Khi nhắm mắt thiền rà chỉ thấy tối đen, làm sao để thêm chánh niệm hay có đề mục nào giúp để khỏi nản chí, vì ngày qua tháng nọ không thấy gì khác cả … (không đau vì con quen tập yoga nên ngồi lâu không đau) ?
* Ngồi thiền không phải để tìm cái đau, thực tập chính của thiền là phát triển chánh niệm, tức là khi cái gì xảy ra trên thân, thọ, tâm, pháp là phải biết liền. Thân có cái gì, đang làm cái gì cũng biết, hít vào thở ra đều biết. Thật ra thầy dạy thiền Tứ Niệm Xứ nhưng chú ý vào cảm thọ. Nếu không thấy cảm thọ thì trở lại thân, chú ý hơi thở. Hơi thở vô : biết. Hơi thở ra : biết. Nếu cũng không thấy gì thì chú ý vào cái bụng hay cái ngực. Những người ngồi thiền mà không biết là vì đi tìm sự kích thích (excitation), tức là ngồi thiền phải thấy cái gì mới hứng thú để ngồi, mà thật ra ngồi thiền không phải tìm kích thích hay cái gì đặc biệt. Thiền Rà không đau thì chỉ ghi nhận không đau. Đau biết đau và không đau biết không đau.

2- Con thiền Rà mỗi ngày chỉ có một tiếng buổi sáng và mỗi lần chỉ rà được một rưỡi đến tối đa là ba vòng. Vì những lý do sau đây :
-  tâm còn phóng dật nên chưa bám sát đối tượng, mất hơi nhiều thời gian để kéo trở về ghi nhận cảm thọ
-  sự ghi nhận cảm thọ chỉ mới lờ mờ, chưa đủ rõ
-  rà chưa được liên tục, phẩm chất rà còn hơi " dối ", sơ sài.
Làm sao có thể rà nhanh hơn mà vẫn được ghi nhận đủ, nhất là nhận ra kịp những phản ứng khi tâm gặp đau nhức, phóng dật hay bực mình, v.v.... ?
Thí dụ con đang rà đến vai thì phóng tâm nhưng nhận ra kịp cho nên tiếp tục rà chỗ đó mà không rà lại từ đầu, vậy có đúng không ?

* Khi rà đến vai mà phóng tâm thì kéo tâm lại rồi rà tiếp, không cần rà lại từ đầu. Tu thiền chỉ trị cái tâm phóng dật, trụ vào đối tượng, trong đạo gọi là "tầm". Khi tu thiền phải đạt 5 cái Chi : tầm - tứ - hỷ - lạc - nhất tâm.
" tầm " là phải luôn luôn kéo tâm về.
Khi tâm trụ ở trong đối tượng thì coi như có sức mạnh của thiền.
Lúc đầu mất nhiều thời gian kéo tâm về thì cũng như thằng bé đứng lên té xuống, từ từ cố gắng tập đi thì chân sẽ mạnh. Tâm cũng vậy.
Sự ghi nhận cảm thọ mới lờ mờ là đúng, đương nhiên, vì tâm phóng dật. Cũng như thắp đèn cầy mà gió thổi hoài, ánh sáng lung lay thì làm sao thấy được đồ vật chung quanh. Mà không rõ thì phẩm chất sơ sài, hơi dối là đúng.
Khuyên phải nên tinh tấn. Cứ khi tâm phóng đi thì kéo về.

3- Ngày xưa, khi có nhiều phiền não bên ngoài đến, con có nhu cầu ngồi thiền mỗi ngày và thấy bớt stress. Bây giờ phiền não đã qua, thấy không cần ngồi thiền như trước, nhất là ngồi một giờ như Thầy khuyên. Xin Thầy cho biết ngồi thiền lâu có lợi ích gì thêm cho con ?
* Tu thiền là tập làm chủ cái tâm của mình. Phiền não là vì không làm chủ tâm. Trong tâm có tập khí, programme, mà mỗi khi bên ngoài đụng tới thì programme nhảy ra, phản ứng liền mà không contrôler được nó. Khi thiền mà hết phiền não là vì tâm đã lặng xuống, phiền não chìm cũng như bùn hay cát được lắng xuống đáy. Cái đó chỉ là tu định thôi. Còn bây giờ ngồi thiền lâu dài, từ từ tâm lắng rồi thì chuyển sang quán chiếu, tức là tìm gốc rễ phiền não ở đâu, hoặc chuyển cho programme mới vô thì mới diệt trừ hoàn toàn phiền não tận gốc được.

4- Sau khi Skype với thầy tháng rồi, con hành thiền có thay đổi hơn trước :
Relax xong thì thở trong cách bắt bảy cái ấn Thầy dạy, mỗi ấn thở mười hơi : con có cảm giác lâng lâng và nhẹ ;
Xong enjoy breathing bằng cách hít sâu thở nhẹ, năm, sáu hơi : con thấy nhẹ hơn ;
Sau đó bắt đầu thiền Rà, rà trong trạng thái lâng lâng nhẹ, con ghi nhận tất cả những gì xảy ra trên thân. Vọng tưởng đến cũng chỉ ghi nhận, không phản ứng.
Câu hỏi là : hiện thời con rất tỉnh táo ghi nhận, nhưng nếu cảm giác lâng lâng nhẹ có hoài, có thể con sẽ rơi vào trạng thái si không ?
* Không. Si là khi mình không còn chánh niệm nữa. Si biểu hiện qua tâm phóng dật, và tâm hôn trầm.

5- Sáng sau khi thiền, con tụng chú Văn Thù " Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi ", rồi quán Tâm Từ theo Thầy dạy trong bài Chuyển Hóa Phiền Não : hít vào sâu bằng mủi, thở ra dài bằng miệng. Vừa thở xong ba lần là con rất nhẹ.
5.1- Khi thiền Rà, có thể hít thêm ba hơi như trên nữa được không (xong rồi hít thở bình thường khi bắt bảy ấn) ?
* Hít ba hơi hay mười hơi cũng được. Bắt ấn rồi thì bỏ quên ấn và tiếp tục rà.

5.2- Khi trì chú Văn Thù, có thể quán ánh sáng từ trên trời chiếu xuống đỉnh đầu không ?
* Được.

6- Thầy dạy có thể lần rà thứ nhất : rà phía ngoài thân ; lần thứ nhì : rà phía trong thân ; lần thứ ba : cảm thọ đau ngứa hoặc tâm... Thường thì con làm được thứ tự như thế, nhưng có khi đang rà mới lần thứ nhất tự nhiên lại thấy phía trong, và khi phía trong có gì  bất thường (nhất là lần đầu) tự nhiên thấy tâm lo sợ, bất an. Mọi việc đến rất nhanh chứ không phải cố ý nhìn tâm. Khi đó nhớ Thầy dạy " thiền rà để tập giữ tâm xả " thì con tự nhủ đó là ảo giác để trở lại tâm bình thường.

6.1- Dùng ý để trở về tâm bình thường cho hết sợ có được không, hay đã phạm vào luật " chỉ ghi nhận mà không phản ứng " ?
* Được, vì chỉ nhớ lại " là ảo giác thôi " là một sự niệm, tỉnh giác. Không phản ứng là không phản ứng bằng cái thân, tức là không nhúc nhích, không đứng dậy bỏ chạy.

6.2- Khi đang rà lần đầu phía ngoài, chỉ muốn nhìn phía ngoài mà tự nhiên thấy phía trong, như thế có phải vì thiếu chánh niệm, không làm chủ được tâm không ?
* Không. Khi thiền, cái gì xảy ra không thuộc điều khiển của mình. Tu thiền Tứ Niệm Xứ là tất cả cái gì xảy ra đều chấp nhận nó như nó là.

6.3- Sau đó có nên tiếp tục trở lại rà ngoài thân không ?
* Khi thấy bên trong thì rà bên trong, bên trong không thấy gì mà bên ngoài ngứa thì rà bên ngoài... tùy hỷ thôi, không bắt buộc phải cứng ngắc.
Vì không biết nhìn cái gì thì thầy mới cắt ra từng chi tiết. Thật ra thiền Rà là chỉ rà từ trên đầu đi xuống thôi. Cũng giống như scanner : bất cứ cái gì xảy ra đều thấy hết dù bên ngoài hay bên trong. Cái chính là nhìn thấy cái gì khởi lên để tu tập tỉnh giác chứ không phải nhìn trong hay ngoài.

6.4- Khi rà từ trên xuống dưới, cái gì xảy ra dù ngoài, dù trong, dù tâm, cứ ghi nhận thôi, nhưng tự nhiên sợ thì có được nhìn tâm sợ không ?
* Không. Sợ thì ghi nhận sợ rồi rà tiếp. Cái chính là rà, những cái khác đến thì chỉ ghi nhận rồi nhả ra.

7- Khi trì chú Văn Thù, có thể quán ánh sáng từ trên đầu đi lên để tu học với Ngài không ?
* Cái đó là kiểu ông Tám, muốn xuất hồn. Thầy không dạy vậy.
Thường thường mình không đi lên được vì căn cơ thấp, chỉ có bên trên mới đi xuống được. Vibration của chúng sanh cõi ba chìu 3D rất thấp, không thể đi lên cảnh giới 4D, 5D, 6D được, cho nên chỉ ngồi thiền mở tâm ra thì ánh sáng của chư Phật, chư Bồ Tát mới rót xuống mình được.

8- Con thường quen theo dõi hơi thở, khi nào loạn động thì theo nhịp bụng và ngực, thấy dễ hơn. Còn nếu rà thì khoãng 45 phút mới thấy đau.
8.1- Nếu áp dụng nhiều phương pháp thì có trở ngại gì không ?
* Nếu không rà mà theo hơi thở, chú ý phòng xẹp và ngực thì vẫn được. Cái đó chỉ là đề mục, đối tượng thôi.
Cái chính là luyện cho tâm chánh niệm tỉnh giác, không bám víu vào những gì xảy ra nơi thân và tâm. Vẫn biết mà không để nó chi phối.

8.2- Khi đang rà tới vai mà đau chân thì có nhảy xuống chân không  ?
* Ghi nhận chân đau rồi tiếp tục rà ở vai, đó là chánh niệm tỉnh giác, không cho tâm chạy tới chân liền. Cái đau vẫn biết và ghi nhận.
Khi nào rà tới chân thì lúc đó mới nhìn kỹ coi chân đau làm sao.
Còn nếu khi đang chú ý phòng xẹp nhưng đau chân thì vẫn chú ý phòng xẹp, vẫn biết đau. Đó là không phóng dật, không để đau chi phối.

Thiền Rà thật ra làm một công hai ba chuyện : kiểm soát tâm và luyện cho tâm có sức mạnh, gọi tâm xả, để có thể đối phó với cái đau, đến khi gần trút hơi thở thì tâm sẽ không bị chi phối mà còn sáng suốt tỉnh giác.

9- Gần cuối giờ Thiền chân bị tê quá, không biết đau, hai chân hợp thành một khối, không biết chân trái phải ở đâu, vậy có được nhúc nhích ngón chân không ?
* Có hai loại tê : tê khó chịu thì được nhúc nhích, còn tê hết biết gì thì mặc kệ. Tâm biết chân tê là đủ rồi.

10- Khi thiền, định tâm trên hơi thở thì khó vì hay bị phóng tâm, còn rà thì thấy dễ lắm vì rà từ trên xuống dưới không có vấn đề. Vậy có nên thấy dễ rồi bỏ làm cái khác, cũng như fixer vào hơi thở dài hay ngắn không ?
* Thiền rà cột tâm nhiều hơn thiền theo dõi hơi thở vì thiền theo dõi hơi thở rất khó, vi tế. Chính những người tu tập lâu năm, tâm khá vững rồi nhìn hơi thở mới an trụ.
Khuyên nên tiếp tục thiền Rà. Rà từ đầu tới cuối, khi tâm không phóng thì rà chậm hơn để nhìn thấy từng cảm giác mà từ xưa mình không thấy. Như chạy xe quá nhanh thì không nhìn được bên đường, còn đi bộ thì thấy rõ hơn, đứng lại càng rõ hơn nữa. Có vài người đã nhìn thấy được máu của họ chạy làm sao.

Diệu Như

Posts : 5
Join date : 2018-12-02

Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum